Tài khoản

Những nguyên tắc ăn dặm tích cực giúp con luôn ăn ngoan - vui vẻ

Chắc hẳn khi cho bé ăn dặm, mẹ luôn mong muốn bé sẽ có thể yêu thích giờ ăn và có thói quen ăn uống lành mạnh. Để mong ước của mình thành hiện thực, mẹ hãy cùng Bibabo ghi nhớ những nguyên tắc ăn dặm tích cực sau đây nhé.

 

1. Luôn đảm bảo an toàn cho bé 

  • Ghi nhớ các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cho bé. 
  • Cho bé ăn dặm khi cơ thể bé đã sẵn sàng.
  • Luôn cho bé ngồi ghế ăn để đảm bảo tối thiểu nguy cơ bé bị hóc, ọe và giảm nguy cơ bé mắc các bệnh về đường tiêu hóa. 
  • Tìm hiểu kỹ và tập luyện các bước sơ cấp cứu khi bé bị hóc, sặc thức ăn. 
  • Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, nguyên liệu an toàn. 
  • Xem thêm tại bài viết: Những nguyên tắc mẹ không thể bỏ qua để đảm bảo an toàn cho bé khi ăn dặm

2. Không tạo áp lực cân nặng và lượng ăn cho bản thân và cho bé 

Cân nặng và lượng ăn của bé là hai yếu tố luôn được cha mẹ quan tâm đặc biệt khi bàn về vấn đề ăn dặm. Cha mẹ luôn mong muốn con đạt được cân nặng (và chiều cao) vượt chuẩn, để đạt được điều đó dĩ nhiên là con cần phải ăn thật nhiều. 

Tuy nhiên, đa số các bậc cha mẹ hiện nay đều hiểu sai về nguyên tắc đánh giá sự phát triển của bé. Mỗi bé sẽ có tốc độ tăng trưởng của riêng mình và thời gian phát triển những yếu tố này sẽ phụ thuộc vào tốc độ phát triển tự nhiên của con. Lượng ăn của bé cũng sẽ tự điều chỉnh tăng, giảm theo tốc độ tăng trưởng của những yếu tố trên. 

Trên thực tế, khi đánh giá sự phát triển của bé, các bác sĩ sẽ dựa vào 6 yếu tố sau để kết luận một em bé liệu có gặp vấn đề liên quan đến kém tăng trưởng và chậm phát triển hay không: 

  • Cân nặng và chiều cao
  • Phản xạ ngôn ngữ 
  • Vận động thô 
  • Vận động tinh 
  • Giải quyết vấn đề 
  • Giao tiếp xã hội 

Do đó, thay vì chỉ quan tâm đến cân nặng và lượng ăn của bé, cha mẹ nên chú trọng đến những hình thức hỗ trợ sự phát triển toàn diện của bé, trong đó có bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện các kỹ năng xử lý thức ăn, tác phong ăn uống tự lập, lịch sự,... 

Ngoài ra, việc tự tạo áp lực cân nặng và lượng ăn cho mẹ và bé còn khiến mẹ luôn trong tình trạng căng thẳng nếu chẳng may bé không chịu ăn nhiều, hay bé không "bụ bẫm" như mong muốn. Hệ quả là mẹ có nguy cơ muốn ép con ăn được nhiều hơn, bé bị ép ăn lại càng sợ ăn, càng lười ăn, mẹ lại càng ép. Thế là một vòng luẩn quẩn bắt đầu. Mẹ hãy luôn suy nghĩ tích cực để không bị cuốn vào vòng luẩn quẩn này nhé. 

 

Cân nặng không phải là tất cả đâu bố mẹ ơi!


3. Không so sánh 

Một "môn thể thao" luôn luôn được các bậc cha mẹ cực kỳ yêu thích đó là so sánh. Cha mẹ so sánh các bé với nhau, với anh chị em trong gia đình, thậm chí với cả chính bé ngày hôm qua và hôm nay về về lượng ăn, cân nặng, kỹ năng,... 

Như đã đề cập ở trên, mỗi trẻ mỗi khác, do đó tốc độ tăng trưởng và quá trình điều chỉnh của mỗi bé cũng khác nhau. Đừng lấy những đứa trẻ xung quanh trở thành tiêu chuẩn cho con mình, vì con bạn có thể sẽ không bao giờ đạt được tiêu chuẩn đó. Và chạy theo những tiêu chuẩn không phù hợp với bé sẽ chỉ khiến bạn tạo thêm những áp lực không đáng có, khiến cho khoảng thời gian ăn dặm của bé trở nên ngày càng nặng nề và khó khăn hơn.

4. Kiên nhẫn

Trong rất nhiều trường hợp, các bé chưa sẵn sàng ăn dặm ngay cả khi đã đủ 6 tháng tuổi, bởi vậy nên bé thường không hợp tác khi mẹ cho ăn dặm hoặc do cách mẹ cho bé ăn không phù hợp với tính cách của bé. 

Lúc này, mẹ cần kiên nhẫn để tìm ra nguyên nhân vì sao bé không chịu ăn dặm và giải quyết nó từ từ, hợp lý, thay vì sốt ruột và ép bé ăn. Mẹ hãy luôn nhớ rằng dưới 1 tuổi thì sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé, vì thể nên mẹ cũng chưa cần phải lo lắng sợ con không ăn thì sẽ thiếu chất, bé sẽ ăn khi đã sẵn sàng.
Kể cả khi bé đã ăn dặm tốt, mẹ cũng cần kiên nhẫn, bởi vì rất có thể vào một ngày đẹp trời, bé rơi vào kỳ biếng ăn sinh lý và bắt đầu giảm phong độ, mẹ cần tìm hiểu đúng nguyên nhân và bình tĩnh chờ đợi cho giai đoạn sinh lý này trôi qua, khi ấy bé sẽ lại ăn bình thường.
Ngoài ra, mẹ cần phải kiên nhẫn trong bữa ăn của bé, khi tập cho bé các kỹ năng ăn uống như tập nhai, tập nuốt, tập thìa... 

5. Thiết lập thói quen sinh hoạt cố định cho bé

Việc bé không có thói quen sinh hoạt cố định cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình ăn dặm vì bé sinh hoạt không điều độ thường có khả năng biếng ăn, lười ăn nhiều hơn các bé có nếp sinh hoạt tốt. Ngay từ bây giờ hãy thiết lập một thói quen sinh hoạt ổn định, nhất quán cho bé, để bé có thể đáp ứng với giai đoạn ăn dặm tốt hơn. 

 

Bài viết có sử dụng kiến thức tham khảo từ BS Anh Nguyễn (ĐH Worchester Anh)

06/2017.  Có 20 thích.   Đã có 4 phản hồi.
  Thích
  Facebook